– Khẩn trương đánh giá tình trạng bệnh nhân và chuyển ngay đến những cơ sở có thể điều trị tái tưới máu. Các biện pháp chung, ban đầu cho mọi bệnh nhân là:

  • Bệnh nhân phải được bất động tại giường;
  • Thở oxy: với liều 2 – 4 lít/phút qua đường mũi vì nhồi máu cơ tim cấp thường kèm theo thiếu oxy. Một số trường hợp suy hô hấp nặng cần phải đặt nội khí quản và cho thở máy phù hợp;
  • Thuốc giảm đau: Morphin sulphat là thuốc được lựa chọn hàng đầu, liều dùng từ 2 – 4 mg tiêm tĩnh mạch, nhắc lại sau 5 – 10 phút nếu bệnh nhân vẫn đau. Chú ý nhịp thở của bệnh nhân và nhịp tim;
  • Nitroglycerin (0.4 mg) ngậm dưới lưỡi, có thể nhắc lại sau mỗi 5 phút. Cần chú ý huyết áp: nếu huyết áp tối đa còn > 90 mmHg là tốt. Tiếp theo thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch và truyền Nitroglycerin với tốc độ 10 mcg/phút, có thể chỉnh liều theo con số huyết áp của người bệnh; nếu huyết áp tụt thì không dùng Nitroglycerin, cần áp dụng ngay các biện pháp vận mạch. Lưu ý là Nitroglycerin có thể gây nhịp chậm và không dùng khi có nhồi máu cơ tim thất phải;
  • Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu: cho ngay Aspirin bằng đường uống dạng không bọc, với liều nạp từ 160 – 325 mg hoặc có thể cho bằng đường tiêm tĩnh mạch 500mg, có thể bằng dạng gói bột Aspegic. Nếu bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày tá tràng đang tiến triển thì có thể thay bằng Ticlopidine (Ticlid) 250 mg x 2 viên/ngày hoặc Clopidogrel (Plavix) cho ngay 300 mg sau đó duy trì 75 mg/ngày;
  • Thuốc chống đông: Heparin tiêm tĩnh mạch liều 65 – 70 đơn vị/kg sau đó duy trì liều 15-18 đơn vị/kg/giờ;
  • Thuốc chẹn beta giao cảm: Thuốc hay dùng là Metoprolol tiêm tĩnh mạch 5mg, nhắc lại mỗi 5 phút cho đến tổng liều là 15mg, tiếp tục cho uống 25 – 50 mg. Các thuốc khác có thể dùng là: Atenolol, Esmolol. Không dùng các thuốc này khi bệnh nhân có dấu hiệu: suy tim nặng, nhịp tim chậm <60 lần/phút, huyết áp tâm thu <90 mmHg, blốc nhĩ thất độ cao, bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch ngoại vi nặng.